8 giờ:41 phút Thứ sáu, ngày 27 tháng 10 , 2017

Những người bạn chiến đấu cùng chiến hào

Những người con của nhân dân Xô Viết đến Việt Nam không chỉ giúp chúng ta về trang bị vũ khí, chuyển giao công nghệ, huấn luyện kỹ thuật, đào tạo các chuyên ngành mà còn kề vai sát cánh với Bộ đội Việt Nam trên các chiến trường đầy cam go, ác liệt. Tình hữu nghị được thử thách trong khói lửa chiến tranh nên rất thiêng liêng và bền vững.

Những người bạn chiến đấu cùng chiến hào 
Đoàn chuyên gia Liên Xô và Bộ đội Tên lửa Việt Nam. 
Ảnh: Tư liệu.

Cách đây 2 năm, Quân chủng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Bộ đội Tên lửa (24-7-1965 / 24-7-2015). Tại sự kiện này, nhiều cựu chiến binh Xô Viết từng kề vai, sát cánh với Bộ đội PK-KQ trong chiến tranh đã sang dự. Cuộc gặp gỡ thắm tình đồng chí đã khiến Lễ kỷ niệm không chỉ trang trọng mà còn ý nghĩa hơn. Gặp lại những người bạn Việt Nam một thời “chung một cabin, chung một bệ phóng”, cùng đồng cam, cộng khổ trong các trận đánh; ông Kolesnik Nikolai - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Xô Viết trong chiến tranh Việt Nam đã rất xúc động. Ông bày tỏ ý khâm phục những nỗ lực tột bậc, tinh thần tự lực cánh sinh, ý chí kiên trì bền bỉ của Bộ đội Tên lửa Việt Nam. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Bộ đội Tên lửa Việt Nam đã có thể làm chủ và sử dụng thành thạo hệ thống vũ khí tên lửa hiện đại S-75, mà đúng ra phải mất hàng năm mới có thể sử dụng được. Ông cũng không quên đề cao vai trò quyết định trong việc chuẩn bị trận địa, tinh thần không ngại gian khổ, hi sinh để chiến đấu và chiến thắng của những người bạn Việt Nam trong trận đầu ra quân chiến thắng.

Trong buổi gặp mặt trang trọng này, Đại tá Nguyễn Văn Thân - nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tên lửa 63 - Đơn vị trực tiếp tham gia đánh thắng trận đầu ngày 24-7-1965 đã xúc động bày tỏ: “Đó thật sự là những năm tháng không thể nào quên. Câu nói quen thuộc giữa các chiến sĩ Tên lửa Việt Nam và Xô Viết mỗi khi gặp nhau là: “Các bạn chiến đấu cùng chiến hào”.

Các chiến sĩ Xô Viết có mặt tại Quân chủng PK-KQ khi ta được nước bạn viện trợ vũ khí tên lửa SAM-2. Đơn vị đầu tiên được giao trọng trách huấn luyện vũ khí này chính là Trung đoàn Tên lửa 236 (Sư đoàn 361). Đây là đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Được các bạn Xô Viết tận tình truyền thụ kiến thức, với trí thông minh, sáng tạo của các chiến sĩ Tên lửa Việt Nam, chương trình huấn luyện được rút ngắn chỉ còn 2 tháng rưỡi. Điều khiến cả ta và bạn lo lắng nhất là việc SA-75M “ĐvinaA” (loại 6 buồng) mà bạn viện trợ cho ta vốn được sử dụng trong các trường quân sự PK-KQ với mục đích giảng dạy chứ không mang tính chiến đấu. Thậm chí sau khi thử nghiệm thành công tên lửa ở bãi bắn, các chuyên gia nước bạn vẫn phải hiệu chỉnh rất nhiều để biến SA-75M thành một đơn vị vũ khí chiến đấu hoàn chỉnh. Các thông số xác định khả năng công phá trên chiến trường cũng được chuẩn hóa.

Chuẩn bị cho trận đầu Tên lửa ra quân chiến thắng có 2 tiểu đoàn Tên lửa 63 và 64. Tuy đã được các chuyên gia Liên Xô chuyển giao kỹ thuật nhưng trong trận đánh đầu tiên, người đứng sau Bộ đội Tên lửa Việt Nam vẫn là các chiến sĩ Xô Viết. Sau 5-6 ngày huy động toàn bộ lực lượng chuẩn bị phần thiết bị, kỹ thuật; đơn vị đã hành quân bí mật đến địa điểm tập kích trong đêm, các pháo thủ chọn chỗ đất cao kín đáo để đặt tên lửa. Đến gần sáng thì công việc hoàn tất. Tất cả đã sẵn sàng cho trận chiến đấu đầu tiên giữa Bộ đội Tên lửa Việt Nam và không quân địch.

Bộ đội Tên lửa Việt Nam và Quân chủng PK-KQ sẽ không bao giờ quên thời khắc Tên lửa ra quân đánh thắng trận đầu, hạ gục chiếc máy bay thứ 400 trên miền Bắc vào ngày 24-7-1965. Chưa đầy 1 tháng sau, đêm 11-8-1965, Tiểu đoàn 61 đã đánh một trận ban đêm thắng giòn giã, diệt gọn 1 tốp máy bay địch.

Không chỉ tham gia chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội, khi đơn vị cơ động vào tuyến lửa Vĩnh Linh hay Quảng Trị, các chuyên gia Liên Xô vẫn luôn sát cánh cùng Bộ đội Tên lửa Việt Nam. Họ bám sát trận địa, lắng nghe các ý kiến để điều chỉnh, cải tiến khí tài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Bộ đội Tên lửa Việt Nam.

Từ sự chi viện quý báu, máu thịt của những người anh em Xô Viết năm xưa mà mỗi khi có dịp gặp nhau, những người cựu chiến binh Việt - Xô vẫn luôn xiết chặt vòng ôm trong những giọt nước mắt lăn dài xúc động. Họ lại gọi nhau bằng cụm từ thân thương “Các bạn chiến đấu cùng chiến hào”.

       QUỲNH VÂN

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website