Tự hào truyền thống Sư đoàn Không quân 371 anh hùng, quyết tâm bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc
Cách đây 53 năm, trước yêu cầu phát triển của Quân đội, ngày 24-3-1967, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 014/QĐ-QP thành lập Bộ Tư lệnh Không quân. Thi hành quyết định này, ngày 1-5-1967, Đại tá Phùng Thế Tài - Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) ký Quyết định số 492/TM-QL ghi rõ: Bộ Tư lệnh Không quân mang phiên hiệu công khai là f371; trong đó, Sư đoàn trực tiếp quản lý 7 sân bay, 64 phi công tiêm kích MiG các loại cùng với hơn 1.600 thợ máy.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trung đoàn Không quân Sao đỏ, ngày 9-11-1964. Ảnh tư liệu.Trong điều kiện vừa ổn định tổ chức, vừa tích cực chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, chưa đầy một tháng sau ngày thành lập, Sư đoàn đã trực tiếp chỉ huy các đơn vị xuất kích chiến đấu 12 trận, bắn rơi 14 máy bay hiện đại của địch. Có những ngày xuất kích chiến đấu 4 trận, có biên đội xuất kích 2-3 lần trong ngày, bắn rơi 2-3 máy bay Mỹ trong một trận đánh; có nhiều trận hiệp đồng chiến đấu trở thành điển hình trong nghệ thuật không chiến của Không quân nhân dân Việt Nam. Chỉ tính riêng năm 1967, Sư đoàn đã xuất kích bắn rơi 97 máy bay gồm nhiều kiểu loại hiện đại của địch. Nhiều phi công đã trở thành những tấm gương sáng của Không quân nhân dân Việt Nam.
Từ năm 1967 đến năm 1972 là thời kỳ ác liệt nhất trong chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta. Phải đương đầu với không quân Mỹ được trang bị kỹ thuật hiện đại, nhiều kinh nghiệm chiến đấu nhưng lớp lớp cán bộ, chiến sĩ, phi công của Sư đoàn đã nỗ lực vượt bậc, khắc phục mọi khó khăn, sáng tạo nhiều cách đánh thông minh, táo bạo để càng đánh càng trưởng thành, càng đánh càng thắng.. Với tinh thần “Dám đánh, biết đánh và biết thắng”, Sư đoàn đã đánh địch cả trên không, trên biển, trên đất liền; đánh cả ban ngày và ban đêm lập chiến công, loại máy bay nào cũng đánh thắng máy bay địch, trong tình huống ác liệt nào cũng bảo đảm xuất kích tiêu diệt địch... để bảo vệ miền Bắc, bảo vệ giao thông vận tải trên tuyến đường Hồ Chí Minh, bảo vệ bộ đội binh chủng hợp thành trong các chiến dịch lớn của ta và trên chiến trường của Lào, Campuchia, đồng thời làm nhiều nhiệm vụ bảo đảm khác.
Đặc biệt, trong chiến tranh chống phá hoại của đế quốc Mỹ lần thứ 2 ra miền Bắc năm 1972, Sư đoàn đã có nhiều trận đánh tiêu biểu, điển hình như: Trận đánh của phi công Lê Xuân Dị và phi công Nguyễn Văn Bảy B đã dùng máy bay MiG-17 đánh hỏng nặng 2 tàu khu trục Mỹ ra đánh phá miền Bắc. Trong trận đánh ngày 11-5-1972, khi địch ồ ạt vào đánh phá khu vực Hà Nội, biên đội Ngô Văn Phú và Ngô Duy Thư đã cất cánh đón đánh địch trên vùng trời Hải Dương bắn rơi tại chỗ 2 máy bay của địch (1 F-105, 1 F-4)...
Đến tháng 10-1972, đế quốc Mỹ tăng cường sử dụng máy bay B-52 đánh phá miền Bắc. Thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương, lực lượng của Sư đoàn cùng với các đơn vị trong Quân chủng PK-KQ tiến hành chuẩn bị tốt các phương án, kế hoạch chiến đấu, lực lượng đánh đêm được triển khai trực chiến ở nhiều sân bay, lúc này việc đánh và bắn rơi máy bay B-52 được tập trung coi trọng nhất. Đặc biệt, trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12-1972, chiều 27-12, phi công Phạm Tuân được lệnh dùng MiG-21 cất cánh từ Nội Bài cơ động lên Sân bay Yên Bái; lúc 22 giờ 22 phút, phi công Phạm Tuân cất cánh từ Sân bay Yên Bái, được sự dẫn dắt của các đài chỉ huy đã phát hiện và bắn rơi 1 máy bay B-52 của địch, sau đó đưa máy bay về hạ cánh an toàn. Tiếp đó, đêm 28-12, phi công Vũ Xuân Thiều cất cánh từ Sân bay Cẩm Thủy, Thanh Hóa tiếp tục bắn rơi 1 máy bay B-52 của địch, nhưng do cự ly quá gần sau khi công kích tiêu diệt mục tiêu, anh đã anh dũng hy sinh. Với chiến công bắn rơi máy bay chiến lược B-52, Bộ đội Không quân đã cùng toàn quân, toàn dân miền Bắc đánh bại cuộc tập kích chiến lược trong 12 ngày đêm của giặc Mỹ ra miền Bắc, góp phần cùng với lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, bảo vệ vững chắc Thủ đô Hà Nội, tạo điều kiện cho cách mạng nước ta chuyển sang một giai đoạn mới.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, năm 1975, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, cùng với các cánh quân thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn, một bộ phận cán bộ, phi công, chiến sĩ của Sư đoàn đã được lệnh tiếp nhận máy bay thu được của địch để tham gia chiến đấu. Chỉ sau 6 ngày tổ chức huấn luyện chuyển loại khẩn trương, chiều 28-4-1975, “Phi đội Quyết thắng” gồm các phi công: Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng, Nguyễn Thành Trung bất ngờ cất cánh từ Sân bay Phan Rang tập kích Sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy 24 máy bay, loại khỏi vòng chiến đấu nhiều sinh lực địch, góp phần quan trọng làm tan rã và sụp đổ chế độ ngụy quyền Sài Gòn; cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau năm 1975, Sư đoàn tiếp tục tham gia cùng với các lực lượng bước vào cuộc chiến đấu mới, hiệp đồng cùng với các đơn vị bạn truy quét tàn quân địch bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam của Tổ quốc và chi viện cho chiến trường Campuchia góp phần giúp bạn thoát khỏi nạn diệt chủng.
Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các đơn vị của Sư đoàn đã xuất kích chiến đấu 1.284 lần chuyến, đánh gần 400 trận, bắn rơi 320 máy bay Mỹ, gồm 19 kiểu loại, trong đó có 2 chiếc B-52, đánh chìm và bắn hỏng nhiều tàu chiến, tiêu diệt nhiều sinh lực và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, thu hồi nhiều trang bị vũ khí, cơ sở vật chất kỹ thuật của địch.
Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn tự hào, vinh dự nhiều lần được đón Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm. Sư đoàn được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Không quân dành cho một tên gọi đầy ý nghĩa “Cái nôi của Không quân nhân dân Việt Nam”. Với những chiến công đã đạt được, ngày 31-12-1982, Sư đoàn Không quân 371 đã vinh dự được Nhà nước tuyên dương “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; 19 lượt tập thể, 64 cá nhân được tuyên dương “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, trong đó có 3 tập thể được tuyên dương 2 lần và 1 tập thể được tuyên dương 3 lần, 1 đồng chí được tuyên dương “Anh hùng Lao động”, Sư đoàn được tặng thưởng 1 Huân chương Độc lập hạng nhất, gần 600 lượt cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công các loại, 248 Huy hiệu Bác Hồ và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Niềm vui của phi công Trung đoàn Không quân 927 sau khi hoàn thành ban bay huấn luyện.
Ngày nay, đất nước chuyển sang giai đoạn cách mạng mới, cùng với sự phát triển của Quân đội, Quân chủng PK-KQ, Sư đoàn 371 được xây dựng tiến thẳng lên hiện đại. Cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn đã và đang phát huy truyền thống vẻ vang “Trung thành vô hạn, tiến công kiên quyết, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”, ra sức huấn luyện nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu trong mọi điều kiện thời tiết, trên mọi địa hình; huấn luyện làm chủ khai thác các loại máy bay và vũ khí, khí tài mới; nâng cao khả năng quản lý vùng trời, quản lý điều hành bay, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các trường hợp bay vi phạm quy chế bay; chủ động xây dựng kế hoạch huấn luyện, diễn tập hiệp đồng tác chiến với các lực lượng, các đơn vị trong đội hình binh chủng hợp thành với phương châm “người sẵn sàng, máy bay và các phương tiện sẵn sàng, có lệnh là xuất kích chiến đấu kịp thời”, quản lý và bảo vệ vững chắc vùng trời được giao, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
NGUYỄN THANH BÌNH