9 giờ:24 phút Chủ nhật, ngày 30 tháng 5 , 2021

Hồi sinh những vùng đất chết

Bài 2: Bản lĩnh người lính rà phá bom mìn

Dưới cái nóng bức của Sân bay Cần Thơ, những người lính công binh Lữ đoàn 28 nai nịt gọn gàng trong bộ quân phục dã CHIẾN, trên vai họ đeo chiếc máy dò bom, mìn. Mặc những giọt mồ hôi đã thấm ướt lưng áo, chảy xuống mắt cay xè, họ tỉ mẩn rà máy trên khắp bề mặt vùng đất đã được khoanh vùng, cắm cờ; tập trung lắng nghe tiếng tín hiệu của chiếc máy phát ra và thực hiện công việc một cách thận trọng…

Bài 2: Bản lĩnh người lính rà phá bom mìn
Đội rà, phá bom, mìn, vật nổ thực hiện nhiệm vụ tại Sân bay Phan Thiết. Ảnh:
VĂN DŨNG

Khi máy dò báo tín hiệu có mục tiêu tìm kiếm, Trung úy QNCN Bùi Đức Trung - Nhân viên trinh sát, rút chiếc dao găm nhỏ, tỉ mẩn khoét từng nắm đất, gương mặt lộ rõ vẻ chăm chú và pha chút căng thẳng; những giọt mồ hôi lăn tròn trên khuôn mặt sạm nắng rơi xuống nền đất nhiễm phèn. Chẳng mấy chốc, quả bom cam hoen ố màu thời gian lộ ra, anh cẩn trọng lấy tay nhấc quả bom đúng theo hướng mà nó đã nằm mấy chục năm qua, đặt nhẹ nhàng vào xô cát để cùng đồng đội đưa về bãi tập kết. Anh giải thích: “Khi nhấc quả bom cam lên phải lựa đúng theo tư thế nó đã nằm trước đó, tuyệt đối không được xoay vòng, vì nguyên lý của bom cam là chúng sẽ nổ khi đủ vòng xoay. Mà chúng ta không thể biết được từ khi được ném xuống chúng đã xoay được bao nhiêu vòng…”.

Trò chuyện với Trung tá Đào Văn Dũng - Trợ lý Trinh sát kiêm hóa học khi  anh vừa cho anh em trong Đội nghỉ giải lao; anh kể lại một kỷ niệm là vào năm 2014, các anh đã phát hiện và đào được một quả bom MK-82 tại Sân bay Kép. Khi đưa quả bom này lên Trường bắn TB-1 để kích nổ, Trung úy QNCN Hoàng Văn Tiến - Nhân viên trinh sát đặt thuốc kích nổ, nhưng hết 4kg thuốc nổ, quả bom chỉ xì khói trắng, tình thế vô cùng nguy hiểm. Anh đã phải mất 30 phút để cân nhắc các phương án, cách xử lý tiếp theo. Bằng kinh nghiệm, sự tính toán kỹ lưỡng anh Dũng phán đoán nhân viên đặt thuốc kích nổ lệch vị trí ngòi nổ thứ 3 mất 10cm. Lần đó anh đã trực tiếp xuống liên kết lại lượng thuốc nổ và đã kích nổ thành công, bảo đảm an toàn tuyệt đối…

Để chuẩn bị cho chuyến công tác tại Sân bay Cần Thơ, ngay sau thời điểm lễ ra quân huấn luyện năm 2021, Đội rà phá bom mìn, vật nổ, Phòng Tham mưu, Lữ đoàn 28 đã hối hả chuẩn bị cho công tác kiểm tra kiến thức chuyên ngành. Trong phòng làm việc của Trung tá Đào Văn Dũng có một tủ đựng tài liệu khá lớn. Trong đó, cuốn cẩm nang lưu vết thời gian được xuất bản cách đây gần nửa thế kỷ mà anh luôn trân trọng giữ gìn chính là cuốn “Tài liệu Bom mìn” do Bộ Tư lệnh Công binh xuất bản năm 1979. Anh chia sẻ: “Trong cuốn tài liệu này tập hợp, giới thiệu về nguyên lý hoạt động của rất nhiều loại bom, mìn xuất hiện trong chiến tranh ở Việt Nam”. Ngoài ra, anh cũng sở hữu rất nhiều tài liệu chuyên ngành về bom mìn, vật nổ, đặc biệt là các cuốn sách hướng dẫn sử dụng các loại máy dò bom mìn, vật nổ như: Hướng dẫn sử dụng Máy dò bom FEREX 4032 API; máy dò mìn Minerlab F3; máy dò mìn Vallon VMH3; máy dò bom Vallon EL… Anh khẳng định: “Với những người lính làm nhiệm vụ rà phá bom mìn, vật nổ luôn đòi hỏi phải có đủ bản lĩnh, trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt để hoàn thành công việc đầy khó khăn, vất vả và hiểm nguy lúc nào cũng rình rập đó. Bản lĩnh đó không gì ngoài việc trang bị đầy đủ kiến thức chuyên ngành và sự kiên trì, bền bỉ không ngại khó, ngại khổ”.

Còn Thượng úy QNCN Trần Hồng Việt cho biết: “Các hệ máy dò bom, mìn nông, sâu được trang bị hiện nay hầu hết là thế hệ mới, hiện đại do các nước phát triển như Đức, Úc sản xuất. Máy được trang bị nhiều chế độ dò và hệ thống núm nút điều chỉnh và cách đặt chế độ đều bằng ngoại ngữ. Nếu không nắm chắc cách sử dụng, non kinh nghiệm sẽ đặt nhầm chế độ và phải trả giá bằng rất nhiều công sức của bản thân và đồng đội”.

Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp dò, đặt chế độ không chuẩn máy báo tín hiệu là cốt thép của bức tường gần vị trí, khi phát hiện ra thì anh em đã mất rất nhiều công sức đào đất sâu đến cả vài mét… Vì vậy, khi dò bom, mìn người lính công binh phải quan sát khu vực mình dò để cài đặt chế độ cho phù hợp. Đồng thời, phải có kinh nghiệm để khi nghe cường độ tín hiệu phát ra từ máy có thể tính toán, xác định chính xác tâm của mục tiêu. Nếu không chịu khó nghiên cứu tài liệu và thành thạo cách sử dụng khí tài được trang bị thì họ không thể hoàn thành được nhiệm vụ. Bên cạnh đó, một yếu tố cực kỳ quan trọng đối với mỗi người lính phải nắm rất chắc về nguyên lý hoạt động của các loại bom mìn, vật nổ và là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Bởi kiến thức này là quyết định sống còn đối với họ.

Làm nhiệm vụ rà phá bom mìn, vật nổ, không chỉ cần ở những người lính công binh kiến thức tốt mà đòi hỏi họ phải rèn luyện tính tỉ mỉ, cẩn trọng đến từng chi tiết và đặc biệt là một sức khoẻ dẻo dai để họ có thể hành quân bộ trên những vùng đất cát từ 5-7km, vài mang vác gần 20kg khí tài và đồ đạc cá nhân, thực hiện sứ mệnh “Hồi sinh những vùng đất chết”.

>>> Bài cuối: Trả lại màu xanh cho những vùng đất chết

BÍCH PHƯỢNG
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website