13 giờ:46 phút Thứ hai, ngày 20 tháng 12 , 2021

Tình quân dân trong tâm dịch

“Cô ái mộ các con quá, còn trẻ mà làm những việc cứu người, sẵn sàng dấn thân vào những hiểm nguy luôn cận kề…” - Đó là một trong rất nhiều cuộc điện thoại của người dân Phường 5, Quận 11, TP Hồ Chí Minh đến Trạm Y tế lưu động để cảm ơn các y, bác sĩ của Quân chủng PK-KQ đang thực hiện nhiệm vụ tại đây.

Tình quân dân trong tâm dịch
Thượng úy QNCN Nguyễn Duy Quân và Thượng úy QNCN Giang Lương Chí
đi khám và cấp thuốc cho bệnh nhân COVID-19 tại nhà.

Trong đợt dịch lần thứ tư bùng phát và diễn biến phức tạp kéo dài, nhất là ở các tỉnh khu vực phía Nam, trong đó có TP Hồ Chí Minh với số ca nhiễm cao. Sau khi được thủ trưởng các cấp giao nhiệm vụ và xuất phát từ “mệnh lệnh trái tim” là bác sĩ phải cứu người, Thiếu úy Nguyễn Quốc Đạt - Bác sĩ; Thượng úy QNCN Giang Lương Chí - Y sĩ, Ban Quân y, Phòng Hậu cần và Thượng úy QNCN Nguyễn Duy Quân - Y sĩ, Tiểu đoàn 1 (Trường Trung cấp Kỹ thuật PK-KQ) đã hăng hái lên đường tham gia chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh.

Cuối tháng 8, cùng với lực lượng tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 của Quân chủng, 3 chiến sĩ quân y của Trường Trung cấp Kỹ thuật PK-KQ đã có mặt tại TP Hồ Chí Minh và được giao thực hiện nhiệm vụ ở Trạm Y tế lưu động ở Phường 5, Quận 11, cùng với 2 tình nguyện viên của phường. Công việc hằng ngày của Trạm là thăm khám, xét nghiệm, tư vấn, cấp phát thuốc cho các bệnh nhân COVID-19, điều trị và trực cấp cứu…

Ngay từ những ngày đầu bắt tay vào công việc, các thành viên của Trạm đã bị “cuốn” vào các ổ dịch, các ca bệnh mà không có thời gian để “thử việc” nên cứ vừa làm vừa tích lũy, đúc rút kinh nghiệm, vừa phải khắc phục những khó khăn, nhất là lúc nào cũng mặc bộ quần áo bảo hộ kín mít, mồ hôi túa ra như tắm. Có nhiều bữa cơm phải bỏ dở giữa chừng khi có bệnh nhân khó thở, suy hô hấp gọi đến, các anh lại tức tốc lên đường. Có hôm về đến Trạm thì đêm đã khuya, họ ăn tạm gói mì và tranh thủ chợp mắt để lấy sức cho ngày hôm sau. Nhưng cũng có hôm các anh phải thức trắng đêm chuyển bệnh nhân lên tuyến trên khi có ca bệnh trở nặng.

Vất vả là thế, nhưng các anh luôn có một suy nghĩ “chăm sóc, giúp đỡ và cứu chữa nhân dân như cứu người thân, người nhà mình” và mỗi lần giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch, sức khỏe bình phục trở lại là niềm vui lại vỡ òa, giúp các anh có thêm nhiều động lực để tiếp tục chăm sóc, điều trị các ca bệnh tiếp theo.

“Cũng trong một lần đi thăm khám, chữa trị, chúng tôi gặp một bác trai đã luống tuổi mưu sinh với công việc nhặt rác, không may bị nhiễm COVID-19. Thấy bác nằm co ro trên chiếc phản, trong căn phòng chật chội, lụp xụp, không ai chăm sóc, không thuốc men, không lương thực… Chúng tôi lập tức kiểm tra sức khỏe, chăm sóc và chữa trị cho bác ấy. Sau 14 ngày, khi sự sống trở lại, nụ cười đã nở trên khuôn mặt nhăn nheo, hốc hác của bác. Tất cả chúng tôi không giấu được niềm vui; những giọt nước mắt của hạnh phúc thay cho cái bắt tay, cái ôm như thường lệ” - Thượng úy QNCN Nguyễn Duy Quân kể lại.

Sau gần 4 tháng cùng nhân dân TP Hồ Chí Minh chống dịch, các anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Phường 5 và Quận 11 khen thưởng. Nhưng điều mà các anh và những người dân trong tâm dịch nhận ra rằng “Dịch bệnh rồi sẽ qua đi, nhưng tình cảm quân - dân sẽ còn đọng mãi”.

 
LẠI THẾ THỦY
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website