Nâng cao chất lượng huấn luyện, làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật mới tại Tiểu đoàn 118
Tiểu đoàn 118, Trung đoàn 274, Sư đoàn 377 được trang bị khí tài tên lửa phòng không thế hệ mới. Nhận thức rõ niềm vinh dự, tự hào đó, cấp ủy, chỉ huy Tiểu đoàn đã đề ra nhiều biện pháp sát thực, hiệu quả, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiếp nhận, huấn luyện, triển khai và làm chủ vũ khí, khí tài mới.
Trung tướng Nguyễn Văn Hiền - Tư lệnh Quân chủng PK-KQ động viên kíp chiến đấu Tiểu đoàn 118 trong huấn luyện diễn tập năm 2024.
Thiếu tá Lê Văn Huy - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 118 phổ biến kế hoạch chiếm lĩnh trong huấn luyện đội ngũ chiến thuật.
Huấn luyện cẩu chuyển đạn TLPK tại Tiểu đoàn 118.
Xác định nhiệm vụ huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và là nội dung đặc thù, hoàn toàn mới, Đảng ủy Tiểu đoàn đã có nghị quyết chuyên đề, tập trung lãnh đạo hoàn thành tốt công tác chuẩn bị huấn luyện chuyển giao. Tiểu đoàn đã phát huy cao độ bản lĩnh, ý chí và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ", "Người chiến sĩ PK-KQ ưu tú” của từng cá nhân, tập thể, coi đây chính là một biện pháp quan trọng hàng đầu để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhờ vậy “cán-binh” đều đồng lòng vượt qua nhiều khó khăn, vất vả vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao,...
Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc 3 khâu đột phá xác định trong Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2024 của Đảng ủy Sư đoàn và Trung đoàn, Tiểu đoàn xác định tập trung nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, giáo dục, đào tạo; tập trung làm chủ VKTBKT mới. Ngay từ đầu năm khi làm công tác chuẩn bị cho huấn luyện chiến đấu, Tiểu đoàn đã kịp thời tham mưu, đề xuất với Thủ trưởng Trung đoàn điều chỉnh nội dung kế hoạch huấn luyện sát với yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị. Quá trình huấn luyện, đơn vị luôn bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc, an toàn, tiết kiệm”, vận dụng linh hoạt các quan điểm, nguyên tắc, mối kết hợp, tập trung huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu, đối tượng tác chiến, yêu cầu nhiệm vụ của bộ đội tên lửa và phù hợp với tính năng, kỹ chiến thuật của VKTBKT mới được biên chế. Phát huy tinh thần cầu thị, ham học hỏi, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 118 đã tự tổ chức nghiên cứu tài liệu, thành lập Câu lạc bộ tiếng Anh, tổ dịch thuật để tiến hành dịch, hiệu đính, chuẩn hóa các tài liệu về vận hành, khai thác, sử dụng Tổ hợp TLPK Spyder; tổ chức thực hành bằng khẩu lệnh khan, thảo luận nhóm trước bằng cách hình dung công tắc, núm nút mặt máy để nhanh chóng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện làm chủ VKTBKT mới. Cùng với đó, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đã tham gia đầy đủ các khóa huấn luyện, tập huấn vận hành, kỹ thuật của chuyên gia nước ngoài tại đơn vị; vận dụng linh hoạt kiến thức nền tảng của Bộ đội Tên lửa, kinh nghiệm trong làm chủ các khí tài truyền thống để áp dụng vào khí tài mới một cách có hiệu quả. Tiểu đoàn còn soạn thảo nhiều tài liệu về thuyết minh kỹ thuật, xạ kích - công tác chiến đấu, đội ngũ chiến thuật,... có chất lượng, sử dụng hiệu quả vào huấn luyện cho kíp chiến đấu.
Bên cạnh đó, xác định huấn luyện đội ngũ cán bộ, trưởng xe là trung tâm, then chốt quyết định, Tiểu đoàn đã chú trọng áp dụng nhiều mô hình, cách làm hay trong huấn luyện cán bộ. Một trong những phương pháp hiệu quả đó là thành lập và duy trì hoạt động của Câu lạc bộ Spyder. Nòng cốt của Câu lạc bộ là những đồng chí cán bộ đã được huấn luyện, đào tạo tại nước bạn và có nhiều kinh nghiệm trong vận hành, khai thác, sửa chữa khí tài; với nhiệm vụ là nghiên cứu chuyên sâu, trao đổi kinh nghiệm để sử dụng và bảo đảm tốt công tác kỹ thuật cho Tổ hợp TLPK Spyder, Câu lạc bộ đã thu hút được đông đảo cán bộ tham gia, là môi trường thuận lợi để mọi cán bộ phát huy khả năng, say mê tìm tòi, nghiên cứu và học hỏi. Thông qua các hoạt động thi đua đã khơi dậy trí tuệ, sự sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Trong những năm qua, tuổi trẻ Tiểu đoàn 118 đã có nhiều mô hình, sáng kiến hay áp dụng vào huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu như: Mô hình huấn luyện sỹ quan bắn; mô hình huấn luyện trắc thủ đài ra đa; mô hình thăng bằng anten Đài ra đa ELM-2084 AD bằng Laser; sáng kiến máy tra nạp ắc quy; sáng kiến mô hình “3 cùng”, “2 trước, 2 sau” (3 cùng là: Cùng học, cùng trao đổi, cùng tìm tòi; 2 trước là: Học trước, nghiên cứu trước; 2 sau là: Về sau và ngủ sau bộ đội)… áp dụng triển khai có hiệu quả trong quá trình huấn luyện tại đơn vị. Hằng tuần, tháng, quý, Tiểu đoàn tự tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả huấn luyện đối với từng cá nhân, cho đến kíp nhỏ, kíp gọn và kíp đủ. Hình thức kiểm tra linh hoạt từ lý thuyết, vấn đáp đến thực hành hoặc hùng biện một vấn đề lý luận chuyên sâu và tất cả các thành viên kíp chiến đấu tham gia phản biện vấn đề đó. Kết quả kiểm tra được cán bộ Tiểu đoàn đánh giá khách quan, chính xác, vừa là cơ sở để đánh giá, phân loại chất lượng cán bộ hằng năm, vừa là động lực để nâng cao chất lượng huấn luyện.
Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp trên, trong những năm qua, Tiểu đoàn 118 luôn là lá cờ đầu trong Phong trào Thi đua quyết thắng của Trung đoàn 274, Sư đoàn 377. Từ năm 2016 đến nay, Tiểu đoàn đã 3 lần đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng” (2018, 2020, 2022); 5 năm liền đạt “Đơn vị huấn luyện giỏi” (2018, 2019, 2020, 2021, 2022); tham gia Hội thao, Diễn tập phân đội TLPK Spyder do Quân chủng PK-KQ tổ chức đạt giải Nhì toàn đoàn (2019); tham gia Diễn tập “MT-22” do Bộ Quốc phòng tổ chức đạt kết quả tốt, tiêu diệt mục tiêu, bảo đảm an toàn tuyệt đối, được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng biểu dương, Quân chủng PK-KQ tặng giấy khen,... Những thành tích đó đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Trung đoàn 274, góp phần xây dựng Quân chủng PK-KQ “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.
Bài, ảnh: LÊ VĂN HUY