9 giờ:55 phút Thứ sáu, ngày 9 tháng 2 , 2018

Ở hai đầu nỗi nhớ

Mùa Xuân ở Yên Bái không chỉ ngợp trời hoa lau tím hay vàng xộm ngút ngát cánh đồng lúa Mường Lò trong tiếng sáo mèo dập dìu mê hoặc. Trong xanh thẳm nơi ấy, mùa Xuân đẹp hơn bởi có người lính canh trời như Binh nhất Ngô Mạnh Cường với những khát vọng bình dị…

Thương ở đầu Đông

Để bắt đầu câu chuyện về Binh nhất Ngô Mạnh Cường - Trắc thủ Đài Ra đa 37, tôi đã tìm đến nhà Cường ở Thủy Nguyên, Hải Phòng trước khi ngược lên Yên Bái đến với Tiểu đoàn Căn cứ Sân bay Yên Bái (Sư đoàn 371) - nơi anh đang làm nhiệm vụ.

Ở hai đầu nỗi nhớ
Binh Nhất Ngô Mạnh Cường (người sau cùng) cùng Kíp chiến đấu Đài ra đa 37,
Trạm Ra đa 52 luyện tập sẵn sàng chiến đấu.

Phải vất vả lắm thì anh Minh - một anh xe ôm lành nghề mới đưa tôi đến được nhà chị Ngô Thị Bậc ở xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Bước đầu, quãng đường đi dự tính từ Kiến An sang địa điểm tôi cần kiếm tìm theo như lời của anh Minh khoảng 20km, nhưng thực đi, con đường ngoằn ngoèo men theo đường đê Sông Cấm, vắt ngang qua đê Sông Kinh Thầy rồi lia sang bờ tả Sông Con cũng phải lên tới 30km. Theo thỏa thuận ban dầu là 150 nghìn cả đi lẫn về, nhưng qua câu chuyện trên đường, biết tôi đi tìm một gia đình người lính với hoàn cảnh rất riêng nên khi đến nơi anh Minh chỉ lấy 100 nghìn.

Đón tôi tại đầu ngõ Trạm Y tế xã An Sơn,  chị Bậc năm nay mới 58 tuổi nhưng thoạt nhìn, tôi ngỡ chị cũng phải ngót 70. Đưa tôi ly trà nóng, chị Bậc quyệt nước mắt nói nhòa trong tiếng nấc.

Theo như lời kể của chị Bậc, năm 1999, khi Cường được gần 1 tuổi thì mẹ qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo. Bố của Cường là người nơi khác đến nên khi vợ mất đã để lại Cường cho chị vợ nuôi hộ và đi biệt xứ từ đó đến nay không có tin tức gì. Chị Bậc thương Cường và chăm bẵm như con ruột. “Nó ngoan ngoãn, hiền lành nên khi nó quyết xin đi bộ đội gia đình tôi thương lắm. Nhưng ý con đã quyết, chúng tôi cũng chiều theo. Trước khi đi, nó chỉ mong được rèn luyện nên người để nhanh chóng về phụ giúp tôi công việc đồng áng. Nó bảo, nó không muốn rời mảnh đất này ngày nào cả. Nó dặn tôi đừng có đi làm đâu xa, bởi biết đâu, ngày nào đó bố nó sẽ trở lại...”. Nói đến đây, chị Ngô Thị Bậc ôm mặt khóc nức nở. Đưa tôi xem tấm ảnh Cường chụp ngày gần đây nhất, chị Bậc chăm chăm nhìn ảnh Cường và nước mắt vẫn chẳng ngừng rơi.

Nhớ ở đầu Tây

Tôi lên Yên Bái vào những ngày áp Tết. Mùa Xuân ở Yên Bái không chỉ ngợp trời tím hoa lau hay vàng xộm ngút ngát cánh đồng lúa Mường Lò trong tiếng sáo Mèo dập dìu mê hoặc. Trong xanh thẳm nơi ấy, mùa Xuân đẹp hơn bởi có người lính canh trời như Binh nhất Ngô Mạnh Cường với những khát vọng bình dị. Tết năm nay, Ngô Mạnh Cường tròn 20 tuổi. Cường tâm sự với tôi rằng, 20 năm qua, trong giây khắc giao thời thiêng liêng, anh chỉ mơ ước một lần duy nhất được ở bên cha mẹ; được cha mẹ mua, mặc cho bộ quần áo mới khi còn nhỏ, hay nhìn thấy con khôn lớn và trở thành người lính, nhưng ước mơ mãi chỉ là mơ ước...

Theo nhận xét của Thiếu tá Nguyễn Huy Sang - Chính trị viên Trạm Ra đa 52, Tiểu đoàn Căn cứ Sân bay Yên Bái (Sư đoàn 371) thì Binh nhất Ngô Mạnh Cường - Trắc thủ Đài Ra đa 37 là người hiền lành, ngoan ngoãn, chịu khó và sống có trách nhiệm với, đồng đội. Mọi công việc ở đơn vị cần đến sức trẻ Cường đều hăng hái tham gia nhiệt tình nên ai cũng quý mến, in tưởng.

Ngồi bên tôi trong chiều giá rét cuối năm, ánh mắt Cường đau đáu nhìn về phía Đông, nơi có người mẹ thứ hai của mình ở đó. Tôi hỏi Cường: “Tết đến, em mong điều gì nhất?”. Như chỉ chờ đợi câu hỏi của tôi, ánh mắt Cường ngấn đỏ: “Tết đến, ai cũng mong chúc cho nhau sức khỏe, sung túc, thành đạt... Nhưng, điều mong muốn nhất và cũng là mơ ước của tôi là được một lần được quây quần bên gia đình có cả bố và mẹ. Dẫu biết, ước mơ ấy sẽ chẳng bao giờ trở thành hiện thực thì tôi vẫn ước mơ. Tôi xung phong nhập ngũ để được rèn luyện, trưởng thành. Do vậy, tôi sẽ phấn đấu thật tốt để dù ở một nơi nào đó rất xa, mẹ luôn mỉm cười...”.

Lặng nghe lời Cường kể trong hun hút gió bấc và xào xạc lau tím, tôi cảm phục những lời Cường nói và làm. Khi tôi hỏi: “Đã có dự định gì cho tương lai?”. Cường nói: “Tôi mong muốn hoàn thành thật tốt nghĩa vụ của người trai với Tổ quốc. Sau đó, tôi sẽ về quê làm ruộng. Ít nhất, tôi cũng san sẻ phần nào gánh nặng đang đè lên vai những người đã cưu mang, nuôi tôi khôn lớn...”.

Nắm chặt tay Binh nhất Ngô Mạnh Cường khi tạm biệt em, lòng tôi nhẹ nhàng đến lạ. Bởi lẽ giữa cuộc sống hối hả, con người ta có ngàn vạn mơ ước về sự đủ đầy, sung túc, vẫn có những ước mơ thật bình dị khiến ta vô cùng xúc động.

Bài, ảnh: TIẾN MẠNH

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website